Trong những năm qua, cùng với những thành tựu của công cuộc đổi mới, phong trào TDTT quần chúng khu vực nông thôn đã có bước phát triển và tiến bộ rõ rệt; nhu cầu tập luyện TDTT của các đối tượng nhân dân từ thiếu niên, nhi đồng đến lớp người cao tuổi, tỷ lệ gia đình thể thao hàng năm đều tăng. Nhiều hình thức tập luyện được các đối tượng nhân dân thực hiện như: đi bộ, thể dục dưỡng sinh, chạy vì sức khoẻ,... nhiều trò chơi dân gian và thể thao dân tộc như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đá cầu,... được đưa vào các lễ hội ở địa phương và trở thành các giải thể thao quần chúng truyền thống hàng năm.
Về thiết chế TDTT ở cơ sở: đến nay, ở cấp xã có 4.998 xã, phường, thị trấn có mô hình Trung tâm văn hoá, TDTT, chiếm khoảng 45%; có khoảng 60-70% xã đã dành đất cho TDTT, trong đó có khoảng 30% xã có sân bóng, hồ bơi, nhà tập; có khoảng 46% số thôn có nhà văn hoá - khu thể thao. Các hoạt động nói trên đã đem lại những giá trị văn hóa, tinh thần, thể chất rõ nét đối với đại bộ phận nhân dân, góp phần nâng cao sức khoẻ và mức hưởng thụ văn hóa, phòng, chống bệnh tật và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; tăng cường khối đoàn kết trong nhân dân, ổn định chính trị xã hội, tạo ra những động lực mới để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Bên cạnh những kết quả đạt được hoạt động TDTT ở cơ sở trong cả nước, nhất là các xã ở nông thôn, miền núi, vùng sâu còn nhiều khó khăn; sự chênh lệch về mức độ hưởng thụ TDTT giữa các vùng, miền, giữa các đối tượng nhân dân ngày càng rõ; công tác quản lý, chỉ đạo phát triển TDTT ở cơ sở còn hạn chế, kém hiệu quả, chưa đáp ứng các mục tiêu phát triển TDTT nông thôn như Đảng ta đã xác định.
Phong trào TDTT nông thôn chưa sâu rộng, thiếu bền vững, còn nặng về các hoạt động bề nổi, chưa thực sự quan tâm lợi ích của người dân trong hoạt động TDTT... Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020” đã khẳng định “Duy trì và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, vận động và thu hút đông đảo nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các hình thức tổ chức tập luyện TDTT ở cơ sở. Gắn việc chỉ đạo phát triển phong trào TDTT với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở”, với Chương trình xây dựng nông thôn mới,…”.
Nghị quyết 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đã chỉ rõ việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ở nông thôn, nhất là vùng khó khăn. Theo đó, TDTT nước ta cần góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn, góp phần tích cực phát triển toàn diện con người Việt Nam nhất là thế hệ trẻ ở nông thôn về sức khỏe, thể lực và xây dựng lối sống lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần,... Từ cơ sở tiếp cận trên, nhằm đẩy mạnh công tác TDTT ở nông thôn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục triển khai thường xuyên, sâu rộng Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời, đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, kết hợp với các tiêu chí về rèn luyện thể lực với các chỉ tiêu về xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở với Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hai là, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng và chính quyền đối với công tác TDTT: cấp ủy Đảng thường xuyên quán triệt quan điểm của Đảng về TDTT, coi công tác TDTT là một bộ phận hữu cơ và là một yếu tố quan trọng của phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương; đồng thời, thường xuyên phối hợp công tác kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết tại các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở.
Ba là, quan tâm đầu tư cho TDTT ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị; thực hiện việc hỗ trợ dụng cụ thể thao, tài liệu chuyên môn và phụ cấp trách nhiệm cho cộng tác viên TDTT ở các xã khó khăn. Quy hoạch đất cho hoạt động TDTT cấp xã theo Quyết định 100/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 800/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về dành đất và xây dựng công trình văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, đảm bảo đất để người dân làm sân chơi, bãi tập thể thao.
Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền,.. tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác TDTT để góp phần nâng cao sức khoẻ, thể lực, giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống và xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới.
Năm là, chăm lo xây dựng tổ chức và bố trí cán bộ phụ trách công tác TDTT, trước hết cán bộ, đảng viên, đoàn viên gương mẫu tham gia tập luyện và tổ chức các hoạt động TDTT của nhân dân. Tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ thể dục thể thao, các cộng tác viên, hướng dẫn viên TDTT ở cấp xã, cấp thôn.
Sáu là, hướng dẫn và vận động nhân dân quan tâm đến sức khỏe, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường tập luyện TDTT hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, giới tính và thể dục chữa bệnh, phát động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, gắn với các phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở với xây dựng nông thôn mới; tổ chức hoạt động TDTT hàng ngày ở cơ sở: tự tập tại gia đình, tập có người hướng dẫn, tập theo nhóm, lứa tuổi, tổ chức ngoài cộng đồng như câu lạc bộ, các môn thể thao tập thể quần chúng, điểm vui chơi của trẻ em; gắn kết các hoạt động thể thao giải trí như: các trò chơi dân gian và thể thao truyền thống với lễ hội văn hóa và du lịch.
Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động TDTT để huy động mọi tiềm năng, vật chất toàn xã hội, đồng thời hướng hoạt động TDTT về cơ sở, về người dân; tổ chức nhiều giải thi đấu, hướng dẫn, phát triển và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ TDTT của nhân dân trên khắp các địa phương trong cả nước...
(Phạm Thanh Cầm – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội – Ban Tuyên giáo Trung ương)