Điền kinh là một trong những môn được đặt nhiều kỳ vọng nhất của thể thao Việt Nam tại Asiad 17. Nhưng mục tiêu của chuyến tập huấn tại Mỹ sắp tới không hẳn là Asiad 17 vì còn chưa đầy 6 tháng nữa là diễn ra Đại hội. Bởi vậy, với điền kinh Việt Nam mục tiêu chính là các đấu trường sau đó mà Asiad 18 năm 2019 mới là đích nhắm thật sự.

Trưởng bộ môn điền kinh thuộc Tổng cục TDTT - ông Dương Đức Thủy mới trở lại Việt Nam sau chuyến thị sát, tìm địa điểm tập huấn tại Mỹ. Ông Thủy cho biết: “Mỹ không thiếu địa điểm tập luyện điền kinh chất lượng cao. Tôi đã có báo cáo chi tiết, phân tích từng điểm mạnh yếu của từng địa điểm tập huấn cả về chuyên môn, HLV, môi trường tập luyện, các dịch vụ đi kèm, y tế, lẫn thời tiết, môi trường sống, kinh phí,.. để lãnh đạo có sự lựa chọn tốt nhất. Việc tập huấn ở Mỹ không thể trì hoãn lâu thêm nữa”.
Được biết, trong quá trình đi tìm địa điểm tập huấn ở Mỹ, lãnh đạo bộ môn điền kinh Việt Nam đã tiếp xúc và thị sát nhiều nơi có thể đưa quân sang tập huấn. Một số địa điểm được lựa chọn nằm ở các khu vực San Jose, Palm Beach… Trong đó, địa điểm tập huấn tại Palm Beach được lựa chọn ưu tiên cao nhất. Đây là khu vực có cơ sở vật chất tốt với đường chạy phù hợp tiêu chuẩn và nơi ở thuận lợi, môi trường, khí hậu tương thích với người Việt Nam. Bên cạnh địa điểm tập huấn, việc tìm được chuyên gia uy tín, phù hợp và giàu kinh nghiệm ngay tại trung tâm đó cũng rất quan trọng.
Sau khi chọn địa điểm tập huấn và chuyên gia sẽ tiến hành lựa chọn HLV nội đi kèm sao phù hợp nhất. Dự kiến, đoàn điền kinh Việt Nam tập huấn ở Mỹ không đông nhưng sẽ có đầy đủ thành phần ở các tổ cự ly ngắn, trung bình, Marathon... Hiện đang tập huấn tại Việt Nam, mỗi tổ lại do một HLV phụ trách riêng (HLV Nguyễn Đình Minh với tổ cự ly ngắn, HLV Hồ Thị Từ Tâm với tổ trung bình, HLV Nguyễn Trọng Hổ với tổ 400m).

Sự thành công của đội tuyển bơi lội trong những chuyến tập huấn dài hạn là một ví dụ và điền kinh cũng tìm tới sự thành công như vậy. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng bộ môn bơi cũng như Hiệp hội thể thao dưới nước đã phải đi tìm địa điểm tập huấn phù hợp cách đây 5 năm, rồi mạnh dạn đầu tư cho Ánh Viên từ năm 2012 đến nay mới dám “mơ” đến huy chương tại Asiad (chứ chưa phải là tấm HCV). Ngoài Ánh Viên, Hoàng Quý Phước cũng đã đi tập huấn song không thành công. Đó cũng là minh chứng của việc phù hợp với người này không có nghĩa là sẽ thành công với người khác. Bởi vậy, khi được hỏi rằng “Liệu nhóm VĐV đi Mỹ tập huấn sẽ có thành công hay không” thì chưa ai dám chắc kể cả trưởng bộ môn Dương Đức Thủy. Bởi lẽ, tập luyện là một chuyện còn thi đấu lại chuyện khác. Bên cạnh đó, điền kinh Việt Nam chưa thể nhắm riêng cho một nhân tố nên “khó lại càng thêm khó”. Ngoài ra, khoản tài chính để VĐV đi tập huấn cũng là một vấn đề nan giải. Không thể trông chờ hoàn toàn ở khoản 150 ngàn USD mà ngành thể thao rót cho môn điền kinh trong năm 2014. Để tổ chức được chuyến đi tập huấn này, bộ môn sẽ phải “chung lưng đấu cật” kết hợp kinh phí tập huấn giữa địa phương với ngành. Cụ thể hơn, thành phần đội đi tập huấn tại Mỹ có VĐV ở địa phương nào thì kêu gọi địa phương đó chung sức hỗ trợ kinh phí tập huấn.