NHỮNG NỘI DUNG BỔ SUNG CỦA LUẬT BÓNG ĐÁ 2019-2020

Submitted by tkqtuan on Mon, 26/08/2019 - 22:05

 

LUẬT 3: Quy định về việc thay cầu thủ

Cầu thủ bị thay thế (nếu còn đang ở trên sân), PHẢI rời sân tại điểm gần nhất trên đường biên, trừ khi có những chỉ dẫn khác của trọng tài (ví dụ vì lý do an ninh, an toàn) và phải trở về ngay khu vực kỹ thuật hoặc vào ngay phòng thay đồ.

         Nếu cầu thủ bị thay thế không rời sân, trọng tài cho trận đấu tiếp tục.

LUẬT 5:

Trọng tài không thể thay đổi quyết định nếu trận đấu đã bắt đầu lại hoặc trọng tài đã thổi còi kết thúc hiệp đấu hoặc trận đấu và đã rời khỏi sân. Tuy nhiên, nếu việc trọng tài rời sân ở cuối hiệp để xem xét hình ảnh ở khu vực RRA hoặc để gọi các cầu thủ trở lại sân, thì điều này không cản trở trọng tài thay đổi quyết định.

Đôi khi, trợ lý trọng tài báo hiệu cho trọng tài về một vi phạm cần xử lý thẻ (ví dụ một hành vi bạo lực) nhưng trọng tài không nhận thấy ngay. Hình phạt kỷ luật chỉ có thể được ban hành sau khi trận đấu đã bắt đầu lại nếu trợ lý trọng tài đã phát hiện và báo cho trọng tài trước khi trận đấu bắt đầu lại. việc xử lý kỷ luật như thế không làm thay đổi cách thức bắt đầu lại trận đấu.

LUẬT 5 :

Trọng tài có thể xử phạt quan chức đội bóng bằng thẻ vàng (cảnh cáo) hoặc thẻ đỏ (trục xuất).

Nếu không thể xác định người có hành vi không đúng mức, thì Huấn luyện viên có vị trí cao nhất trong khu vực kỹ thuật (thường là HLV trưởng) sẽ phải bị xử phạt.

Nếu một pha phạm lỗi dẫn tới quả phạt đền, cầu thủ bị chấn thương vì pha phạm lỗi đó có thể thực hiện quả phạt đền đó mà không phải ra khỏi sân để được săn sóc chấn thương.

LUẬT 7: Quy định rõ thêm về việc tạm dừng trận đấu do thời tiết quá nóng bức

Điều lệ giải có thể quy định trong mỗi hiệp đấu, một khoảng thời gian nghỉ để uống bù nước (không quá 1 phút) và khoảng thời gian nghỉ để giải nhiệt cơ thể (từ 90 giây đến 3 phút)

LUẬT 8:

1.BẮT ĐẦU TRẬN ĐẤU:

Đội thắng trong việc trọng tài tung đồng xu sẽ được phép lựa chọn cầu môn nào (nửa sân nào) hoặc đá quả giao bóng.

2.TRỌNG TÀI THẢ BÓNG CHẠM ĐẤT:

- Trọng tài sẽ thả bóng cho thủ môn đội phòng thủ trong khu phạt đền, nếu khi trọng tài dừng trận đấu mà:

o Bóng đang ở trong khu phạt đền đó, hoặc Cú chạm bóng cuối cùng là trong khu phạt đền đó.

- Trong tất cả các trường hợp khác, trọng tài thả bóng cho một cầu thủ của đội có cầu thủ chạm bóng cuối cùng tại vị trí chạm bóng cuối cùng đó, hoặc vị trí người ngoài cuộc hay các trọng tài chạm phải bóng trong sân mà trọng tài phải dừng trận đấu (tình huống này sẽ được nêu cụ thể trong phần bổ sung Luật 9 về “bóng trong cuộc, bóng ngoài cuộc”).

- Tất cả các cầu thủ khác (của cả hai đội) phải cách bóng ít nhất 4m cho đến khi bóng vào cuộc. Bóng vào cuộc khi chạm mặt đất.

LUẬT 9: Bóng trong cuộc, bóng ngoài cuộc

Bóng được coi là ngoài cuộc, khi:

Nó (bóng) chạm một trong số các trọng tài, nhưng vẫn còn ở trong sân thi đấu, và:

o Đội nhận được bóng có được một cơ hội tấn công triển vọng, hoặc

o Bóng đi thẳng vào cầu môn, hoặc

o Bóng tới cầu thủ đội đối phương của đội vừa kiểm soát bóng (trước khi chạm trọng tài)

   Trong các trường hợp đó, trận đấu được bắt đầu lại bằng một quả thả bóng.

LUẬT10: BÀN THẮNG

Nếu thủ môn ném bóng trực tiếp vào khung thành đối phương, bàn thắng sẽ không được công nhận, đội đối phương sẽ được thực hiện quả phát bóng.

LUẬT11: VIỆT VỊ

Không có bổ sung gì; chỉ tiện đây, nhắc lại với các bạn 2 bổ sung từ năm 2018:

1. Một cầu thủ tấn công ở vị trí việt vị khi đồng đội đang kiểm soát bóng, vẫn có thể bị phạt việt vị mặc dù không có một hành động gì, nếu vị trí việt vị đó đã cản trở đối phương tranh bóng, chơi bóng.

2. Nếu có tình huống việt vị đồng thời với một tình huống phạm lỗi của cầu thủ phòng ngự, trọng tài sẽ lựa chọn phạt việt vị hay phạt lỗi cầu thủ phòng ngự, tùy thuộc vào việc lỗi xảy ra khi cầu thủ bị việt vị đã có những hành động đủ để bị phạt việt vị hay chưa.

LUẬT12: LỖI VÀ HÀNH VI SAI TRÁI

CHỦ ĐỀ 1: CHƠI BÓNG BẰNG TAY

(dưới đây, khi diễn đạt là “tay”, nên hiểu là bàn tay hoặc cánh tay):

1. Cầu thủ phạm lỗi chơi bóng bằng tay, nếu:

1.1. Cố tình chạm bóng bằng tay, bao gồm việc di chuyển tay tới bóng.

1.2. Sau khi tay chạm bóng, cầu thủ đó kiểm soát được bóng và:

• Ghi được bàn thắng, hoặc

• Tạo được một cơ hội ghi bàn

1.3. Ghi bàn trực tiếp vào cầu môn đối phương từ tay, ngay cả khi không cố ý, bao gồm cả thủ môn.

2. Thường BỊ COI LÀ PHẠM LỖI, nếu cầu thủ chạm tay vào bóng khi:

2.1. Tay của họ đã làm cho cơ thể của họ to hơn (rộng hơn) một cách bất thường

2.2. Tay cao vượt quá vai (trừ khi cầu thủ đã chủ ý chơi bóng, rồi sau đó bóng chạm vào tay họ)

Các động tác bị coi là phạm lỗi trên được áp dụng ngay cả khi bóng tới tay của cầu thủ ngay sau khi một cầu thủ khác ở gần vừa chơi bóng.

3. Ngoại trừ các yếu tố phạm lỗi trên, thường KHÔNG BỊ COI LÀ PHẠM LỖI nếu bóng chạm tay của cầu thủ:

3.1. Trực tiếp từ đầu, cơ thể, chân của cầu thủ đó.

3.2. Trực tiếp từ đầu, cơ thể, chân của một cầu thủ khác đang ở gần.

3.3. Nếu tay ở gần cơ thể và không làm cho cơ thể lớn lên bất thường.

3.4. Khi cầu thủ ngã và tay nằm giữa cơ thể và mặt đất để nâng đỡ cơ thể, nhưng không kéo dài ra khỏi cơ thể theo chiều ngang hoặc chiều dọc.

4. Thủ môn phạm những lỗi chơi bóng bằng tay không được phép (theo các quy định của Luật 12) trong khu phạt đền của đội mình, sẽ bị một quả phạt gián tiếp nhưng không bị một hình thức kỷ luật nào.

LUẬT12: LỖI VÀ HÀNH VI SAI TRÁI

CHỦ ĐỀ 2: NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC THUỘC LUẬT 12

1. THỦ MÔN: Khi nhận bóng từ quả chuyền hoặc ném biên về của đồng đội, thủ môn có thể chơi bóng bằng tay nếu đã đá hoặc cố gắng đá lên nhưng không thành công.

2. THẺ VÀNG VÀ THẺ ĐỎ:

2.1. Trọng tài có thể không rút ngay thẻ vàng hoặc thẻ đỏ, chờ đến lần bóng dừng cuộc tiếp theo, nếu đội được phạt thực hiện cú đá phạt nhanh và tạo được một cơ hội ghi bàn. Trong trường hợp đó, nếu lỗi đó là DOGSO (lỗi ngăn cản một cơ hội ghi bàn rõ ràng), cầu thủ sẽ chỉ phải nhận thẻ vàng.

2.2. Thẻ vàng được đưa ra để phạt cầu thủ có những hành động ăn mừng bàn thắng không được Luật cho phép, kể cả khi bàn thắng đó không được công nhận.

2.3. Quy định cụ thể danh mục các hành vi phải bị nhắc nhở / thẻ vàng / thẻ đỏ đối với các QUAN CHỨC ĐỘI BÓNG (sơ lược nội dung):

2.3.1. Nhắc nhở:

• Vào sân, nhưng thái độ có sự tôn trọng, không đối đầu.

• Thiếu hợp tác với các trọng tài

• Có bất đồng nhỏ với một quyết định, đôi khi rời khỏi khu vực kỹ thuật nhưng không có hành vi phạm Luật khác.

2.3.2. Cảnh cáo:

• Nhiều lần ra khỏi khu vực kỹ thuật

• Có hành động trì hoãn trận đấu, khi đội của mình được đưa bóng vào cuộc.

• Xâm phạm KVKT đội đối phương (nhưng không gây gổ)

• Phản ứng bằng lời nói hoặc hành động (ví dụ: ném, đá chai nước hoặc các vật thể khác)

• Có cử chỉ rõ ràng thể hiện sự thiếu tôn trọng các trọng tài (ví dụ: vỗ tay một cách thể hiện sự mỉa mai)

• Vào khu vực dành riêng để trọng tài xem lại hình ảnh (RRA)

• Có những cử chỉ quá mức, liên tục đối với các thẻ đỏ, thẻ vàng.

• Những hành vi đã được nhắc nhở còn lặp đi lặp lại

• Thể hiện sự thiếu tôn trọng trậnđấu

2.3.3. Truất quyền làm nhiệm vụ trong KVKT:

• Có hành động trì hoãn trận đấu, khi đội đối phương được đưa bóng vào cuộc (ví dụ: giữ bóng, đá bóng đi, cản đường cầu thủ…).

• Vào KVKT đội đối phương một cách hung hăng, gây hấn.

• Cố tình ném hoặc đá một vật thể vào sân, cản trở trận đấu.

• Vào sân để

- Phản ứng trọng tài (bao gồm cả khoảng thời gian giữa 2 hiệp hay sau khi trận đấu kết thúc).

- Can thiệp vào trận đấu, cản trở cầu thủ đối phương hoặc các trọng tài.

• Vào phòng vận hành Video (VOR).

• Bị cảnh cáo lần thứ hai trong cùng trận đấu.

• Có ngôn ngữ hoặc cử chỉ lăng mạ, xúc phạm.

• Sử dụng thiết bị điện tử hoặc liên lạc trái phép, hoặc có hành xử không phù hợp là kết quả của việc sử dụng thiết bị điện tử hoặc truyền thông.

• Có hành vi bạo lực.

LUẬT 13: CÁC QUẢ ĐÁ PHẠT

1. Khi quả phạt gián tiếp đã được thực hiện, trọng tài có thể sớm ngừng tín hiệu (gián tiếp) nếu rõ ràng bàn thắng không thể được ghi trực tiếp (ví dụ: trong hầu hết các tình huống đá phạt việt vị)

2. Khi đội phòng ngự được đá quả phạt từ trong khu phạt đền của họ, bóng vào cuộc ngay khi đã được đá và di chuyển rõ ràng, không cần phải ra khỏi khu phạt đền.

3. Khi một “hàng rào” cầu thủ chắn phạt có ít nhất 3 cầu thủ, các cầu thủ đội tấn công (đội được đá phạt) phải ở cách “hàng rào” ít nhất 1m; nếu vi phạm, đội bị phạt sẽ được đá quả phạt gián tiếp.

LUẬT14: QUẢ ĐÁ PHẠT ĐỀN

1. Khung và lưới cầu môn không được di chuyển khi thực hiện một quả phạt đền; thủ môn không được chạm vào chúng.

2. Thủ môn phải có ít nhất một chân ở trên vạch cầu môn khi quả phạt đền được thực hiện. Thủ môn không được đứng sau vạch cầu môn.

LUẬT15: QUẢ NÉM BIÊN

   Cầu thủ đứng chắn quả ném biên phải đứng cách điểm ném biên ít nhất 2m, kể cả khi cầu thủ ném biên lùi xa đường biên.

LUẬT16: QUẢ ĐÁ PHÁT BÓNG

   Bóng vào cuộc ngay khi đã được đá và di chuyển rõ ràng, không cần phải ra khỏi khu phạt đền.