NHỮNG NỘI DUNG BỔ SUNG LUẬT BÓNG ĐÁ 2019-2020

Submitted by tkqtuan on Mon, 26/08/2019 - 22:08


Số 7:
LUẬT12: LỖI VÀ HÀNH VI SAI TRÁI

CHỦ ĐỀ 1: CHƠI BÓNG BẰNG TAY
 (dưới đây, khi diễn đạt là “tay”, nên hiểu là bàn tay hoặc cánh tay):

1. Cầu thủ phạm lỗi chơi bóng bằng tay, nếu:
1.1. Cố tình chạm bóng bằng tay, bao gồm việc di chuyển tay tới bóng.
1.2. Sau khi tay chạm bóng, cầu thủ đó kiểm soát được bóng và:
• Ghi được bàn thắng, hoặc
• Tạo được một cơ hội ghi bàn
1.3. Ghi bàn trực tiếp vào cầu môn đối phương từ tay, ngay cả khi không cố ý, bao gồm cả thủ môn.

2. Thường BỊ COI LÀ PHẠM LỖI, nếu cầu thủ chạm tay vào bóng khi:
2.1. Tay của họ đã làm cho cơ thể của họ to hơn (rộng hơn) một cách bất thường
2.2. Tay cao vượt quá vai (trừ khi cầu thủ đã chủ ý chơi bóng, rồi sau đó bóng chạm vào tay họ)
Các động tác bị coi là phạm lỗi trên được áp dụng ngay cả khi bóng tới tay của cầu thủ ngay sau khi một cầu thủ khác ở gần vừa chơi bóng.

3. Ngoại trừ các yếu tố phạm lỗi trên, thường KHÔNG BỊ 
COI LÀ PHẠM LỖI nếu bóng chạm tay của cầu thủ:
3.1. Trực tiếp từ đầu, cơ thể, chân của cầu thủ đó.
3.2. Trực tiếp từ đầu, cơ thể, chân của một cầu thủ khác đang ở gần.
3.3. Nếu tay ở gần cơ thể và không làm cho cơ thể lớn lên bất thường.
3.4. Khi cầu thủ ngã và tay nằm giữa cơ thể và mặt đất để nâng đỡ cơ thể, nhưng không kéo dài ra khỏi cơ thể theo 
chiều ngang hoặc chiều dọc.

4. Thủ môn phạm những lỗi chơi bóng bằng tay không được phép (theo các quy định của Luật 12) trong khu phạt đền của đội mình, sẽ bị một quả phạt gián tiếp nhưng không bị một hình thức kỷ luật nào.

GIẢI THÍCH CỦA IFAB:
• Cần thiết có một sự rõ ràng hơn cho lỗi chơi bóng bằng tay, đặc biệt trong những trường hợp không chủ ý để bóng chạm tay.
• Tư thế để tay cao hơn vai, hiếm khi là một tư thế tự nhiên.
• Bóng đá không chấp nhận bàn thắng được ghi bằng tay, ngay cả khi vô tình.
• Một cầu thủ phải bị phạt vì chơi bóng bằng tay, nếu họ có được quyền kiểm soát bóng sau khi bóng chạm tay, và có được lợi thế để ghi bàn hoặc tạo được một cơ hội ghi bàn.
• Sẽ là điều tự nhiên khi cầu thủ đạt cánh tay giữa cơ thể và mặt đất khi ngã, nhưng nếu tư thế ấy của cánh tay làm cho cơ thể rông hơn, dài hơn (tay vươn dài quá vai), thì cầu thủ phải chấp nhận một sự rủi ro nếu tay chạm được bóng.
• Nếu bóng bật khỏi cơ thể cầu thủ vừa định khống chế bóng (hoặc từ một cầu thủ khác ở gần), thường thì tay của cầu thủ không thể kịp tránh tiếp xúc với bóng.

CHÚ THÍCH CỦA NGƯỜI GIỚI THIỆU:
Những quy  định tương đối rõ trong văn bản Luật bóng đá lần này, rõ ràng đã là những hướng dẫn cụ thể cho trọng tài, người chơi và người xem đánh giá đúng được một tình huống như thế nào bị coi là đã CHƠI BÓNG BẰNG TAY, bao gồm cả việc có chủ ý rõ ràng hay không rõ ràng, những tư thế phải chấp nhận chịu phạt khi tay đã chạm bóng, vì đã thực sự ảnh hưởng đến cuộc chơi.

Xin phân tích rõ hơn một số chi tiết:
Mục 1:
1.1. Nếu đã thấy rõ là một hành vi CỐ TÌNH, trọng tài luôn có thể thổi phạt, không cần lưu ý những chi tiết khác (ngoại trừ lý do lợi thế)
1.2 và 1.3: Sau khi bóng chạm tay dù cố tình hay không, nhưng nếu cầu thủ đó có được cơ hội ghi bàn hoặc trực tiếp ghi bàn, bàn thắng không thể được công nhận. Điều này đảm bảo sự công bằng trong bóng đá.

Mục 2: Từ rất lâu trước đây, trong đội ngũ trọng tài đã có ý niệm về việc cánh tay cầu thủ mở rộng và đã chạm bóng, thường được gọi là “mở rộng diện tích cơ thể”. Nay thêm một dấu hiệu nữa là tay giơ cao quá vai (kể cả khi đứng, nhảy cao hay ngã nằm), đều bị coi là làm cơ thể TO RA MỘT CÁCH BẤT THƯỜNG. Đưa ra khái niệm này là rất phù hợp, dễ dàng cho trọng tài trong việc ra quyết định.
Vào tranh bóng, chắn bóng, cầu thủ phải biết rằng không được để tay của mình mở rộng hoặc giơ cao quá vai. Khi đó, dù bóng bật lại khá nhanh từ một cầu thủ khác đang ở gần và vừa chơi bóng, mà tay cầu thủ ở tư thế như vừa tả chạm phải bóng, vẫn là phạm luật.

Mục 3: Một mục có nhiều nội dung mới thú vị
3.1. Một nội dung mới mô tả những tình huống mà cầu thủ dường như đã tự đá bóng trúng tay mình. Theo tinh thần của điều luật này, nếu cầu thủ hoàn toàn không có ý định chơi bóng bằng tay, mà chỉ chơi bằng chân hoặc các bộ phận hợp lệ khác, rồi sau khi chạm bóng, bóng đã không đi theo ý muốn mà lại bật lên tay, thì không bị coi là phạm lỗi. Tuy nhiên, nếu chỉnh bóng thất bại và cầu thủ phải thêm một động tác tay (rất nhanh) để chỉnh bóng, thì không thể coi là hợp lệ. Trọng tài sẽ phải rất tinh tường và dũng cảm để phạt hay không thổi phạt những tình huống như thế này.
3.2. Nội dung này giải quyết một loại tình huống khi mà cầu thủ “mắt nhắm mắt mở” không biết bóng ở đâu, rơi như thế nào, khi đang ở rất gần một cầu thủ khác (đối phương hoặc đồng đội), rồi người ta chạm bóng, khiến bóng bật đúng tay mình. Như thế, không phạm luật (ngoại trừ những vi phạm nêu ở mục 2, về các tư thế tay).
3.4. Một tình huống bàn cãi đã được làm rõ dễ dàng một cách bất ngờ. 
Trước đây, một cầu thủ bị ngã, tay chống đất rồi bóng trúng vào tay, trọng tài sẽ không thể thổi vì cầu thủ không hể cố ý chơi bóng bằng tay. Rồi đến khi có hướng dẫn rằng cầu thủ phải chấp nhận một “rủi ro” là bị phạt, nếu đường bóng bị chặn lại đó là một cơ hội ghi bàn hoặc một cơ hội tấn công triển vọng của đối phương… Nay, chiếu theo việc tư thế của tay có làm cơ thể to hơn, rộng hơn một cách bất thường hay không (không cần phải là cố ý hay không), thì mọi việc sáng tỏ:
- Tay ép sát thân (kể cả ở sát mặt đất, nằm giữa thân và mặt đất, chứ không phải trong thân, trước ngực hoặc sau lưng); nếu bóng trúng tay, không phạm luật.
- Tay chống xuống đất, có một khoảng cách rõ ràng từ thân đến tay, hoặc tay vươn dài theo hướng đầu (mặc dù vẫn là gần đất khi cơ thể ngã nằm) đều là đã làm cho cơ thể to ra một cách bất thường; nếu bóng trúng tay, phạm luật.

Mục 4: Nếu thủ môn vi phạm việc chơi bóng bằng tay không được phép (ví dụ: từ quả ném biên, từ quả chuyền về của đồng đội) thì mặc dù đã ngăn cản một cơ hội tấn công triển vọng hay một cơ hội ghi bàn rõ rệt của đối phương, cũng chỉ bị phạt gián tiếp, không bị thẻ.